Mụn quanh miệng là tình trạng da phổ biến gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đặc biệt là khi đó là mụn viêm. Chưa kể các nốt mụn xuất hiện tập trung ở vùng nhạy cảm xung quanh miệng nên khiến nhiều người lo lắng. Hãy cùng Neutidi tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này, giúp bạn hiểu rõ và tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
I. Mụn viêm quanh miệng là tình trạng gì?
Mụn viêm quanh miệng là một dạng viêm da đặc trưng bởi sự xuất hiện của các nốt sẩn đỏ và mụn mủ tập trung chủ yếu ở vùng da xung quanh miệng, cằm và rãnh mũi má. Khác với mụn trứng cá thông thường, loại mụn này có đặc điểm riêng biệt với các nốt mụn nhỏ, có mủ, thường viêm nhưng không có nhân mụn đầu đen hoặc đầu trắng. Mụn viêm quanh miệng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều ở phụ nữ trưởng thành, đặc biệt trong độ tuổi từ 20-40.
Loại mụn này thường có các đặc điểm như:
- Tập trung chủ yếu ở khu vực xung quanh viền môi, vùng da dưới mũi (rãnh mũi má), và cằm.
- Có thể gồ lên bề mặt da, cứng, và mụn mủ nhỏ (có đầu trắng chứa mủ).
- Vùng da xung quanh các nốt mụn thường có màu đỏ do viêm.
- Không thấy mụn đầu đen hay đầu trắng đi kèm.
Tìm hiểu: Nguyên nhân gây mụn viêm đỏ không nhân
Tình trạng mụn có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Ban đầu, có thể chỉ xuất hiện vài nốt mụn rải rác, hơi ửng đỏ. Nếu không được chăm sóc đúng cách, số lượng mụn có thể tăng lên, mọc thành từng mảng, và tình trạng viêm đỏ lan rộng, gây mất thẩm mỹ và khó chịu.
Phân biệt mụn viêm quanh miệng với viêm da và mụn trứng cá thông thường:
Mụn viêm quanh miệng | Viêm da quanh miệng | Mụn trứng cá thông thường | |
Vị trí điển hình | Quanh miệng, cằm, rãnh mũi má. | Quanh miệng, nhưng thường có một dải da nhỏ quanh viền môi không bị ảnh hưởng. | Toàn mặt (vùng chữ T), lưng, ngực. |
Loại tổn thương | Sẩn đỏ, mụn nhỏ có mủ nhưng không có nhân. | Các nốt sẩn nhỏ li ti, có thể có mụn nước, nền da khô và bong tróc. | Đa dạng: mụn đầu đen, đầu trắng, mụn sẩn, mụn mủ, nang, cục. |
Cảm giác | Có thể hơi ngứa hoặc không có triệu chứng. | Thường có cảm giác châm chích, ngứa, rát, căng da. | Thường không ngứa (trừ khi viêm nặng). |
Yếu tố khởi phát | Nội tiết, vệ sinh, mỹ phẩm, lối sống. | Lạm dụng hoặc ngưng đột ngột kem bôi chứa Corticoid. | Nội tiết tố, vi khuẩn P.acnes, tăng tiết bã nhờn, sừng hóa cổ nang lông. |
II. Nguyên nhân khiến mụn viêm mọc xung quanh miệng
1. Rối loạn nội tiết tố
Đây là một trong những nguyên nhân nội sinh hàng đầu gây mụn, đặc biệt ở phụ nữ. Sự mất cân bằng hormone, cụ thể là sự gia tăng của Androgen, có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động hơn. Kết quả là lượng dầu thừa sản sinh ra quá mức khiến cho vi khuẩn phát triển và gây viêm. Tình trạng mụn quanh miệng thường trở nên nghiêm trọng hơn vào các thời điểm nhạy cảm như chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai.
2. Vệ sinh da mặt không đúng cách
Những thói quen mà bạn tưởng chừng vô hại lại có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra mụn quanh miệng. Việc đeo khẩu trang bẩn trong thời gian dài mà không thay mới tạo ra môi trường ẩm ướt, kín khí thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Tương tự, việc không chịu tẩy trang kỹ lưỡng, đặc biệt là các sản phẩm makeup lâu trôi ở vùng môi, khiến cặn bẩn tích tụ và bít tắc lỗ chân lông.
Một số bạn còn có thói quen chạm tay lên mặt thường xuyên, đặc biệt là vùng quanh miệng khi suy nghĩ hoặc căng thẳng, cũng chuyển vi khuẩn từ tay lên da mặt. Việc sử dụng khăn mặt bẩn, gối ôm không được giặt thường xuyên hay thậm chí là thói quen cắn môi, liếm môi cũng góp phần tạo ra môi trường viêm nhiễm xung quanh vùng miệng.
3. Sử dụng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc không phù hợp
Nếu mỹ phẩm bạn đang dùng có chứa thành phần dễ gây bít tắc lỗ chân lông như dầu khoáng, lanolin, hoặc một số loại silicone có thể là thủ phạm khiến cho da vùng miệng nổi mụn. Ngoài ra, sản phẩm chứa cồn khô, hương liệu mạnh cũng dễ gây kích ứng cho vùng da nhạy cảm quanh miệng.
Đặc biệt hơn, những ai đang lạm dụng kem bôi chứa Corticoid lên da mà không theo chỉ định cũng có thể dẫn tới bị mụn viêm trên vùng da quanh miệng. Thực tế cho thấy nhiều chị em có xu hướng sử dụng các loại kem trộn không rõ nguồn gốc hoặc những sản phẩm được thần thánh hóa thường chứa corticoid ẩn, không chỉ gây mụn viêm mà còn có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho làn da.
4. Chế độ sinh hoạt và ăn uống kém khoa học
Lối sống có tác động không nhỏ đến sức khỏe làn da. Căng thẳng (stress) kéo dài làm tăng hormone Cortisol, kích thích tuyến dầu và thúc đẩy phản ứng viêm toàn thân. Tương tự, người thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ làm gián đoạn quá trình tự sửa chữa của da.
Chế độ ăn uống thiếu cân bằng với hàm lượng đường cao, nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa, cùng với việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể gián tiếp làm kích thích quá trình sản xuất bã nhờn và gây mụn.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như như đeo quai đeo mũ bảo hiểm bẩn, áp điện thoại sát vào má, vỏ chăn gối không được vệ sinh, kích ứng từ kem cạo râu, son dưỡng môi, hoặc thậm chí là việc chơi các loại nhạc cụ thổi cũng có thể góp phần gây ra mụn quanh miệng.
III. Mụn viêm quanh miệng có nguy hiểm không?
Bản thân mụn viêm quanh miệng không nguy hiểm như mụn đinh râu, nhưng nó lại ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và có thể để lại thâm, sẹo nếu không được điều trị đúng cách. Bạn nên tìm đến bác sĩ da liễu nếu gặp các dấu hiệu như:
- Mụn không có dấu hiệu cải thiện sau 4-6 tuần tự chăm sóc tại nhà.
- Mụn lan rộng sang các vùng da khác một cách nhanh chóng.
- Mụn gây cảm giác đau, rát hoặc ngứa dữ dội.
- Bạn nghi ngờ nguyên nhân gây mụn là do một loại thuốc nào đó bạn đang sử dụng.
- Tình trạng mụn tái đi tái lại nhiều lần không rõ nguyên nhân.
IV. Cách khắc phục tình trạng mụn viêm mọc quanh miệng
1. Trị mụn quanh miệng tại nhà với thuốc không kê đơn (OTC)
Với tình trạng mụn nhẹ đến trung bình, bạn có thể bắt đầu với các hoạt chất bôi tại chỗ không cần kê đơn. Chúng giúp kiểm soát vi khuẩn, giảm viêm và làm thông thoáng lỗ chân lông.
- Benzoyl Peroxide (2.5% – 5%): Hoạt chất diệt khuẩn mạnh, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn P.acnes.
- Salicylic Acid – BHA (0.5-2%): Đi sâu vào lỗ chân lông để loại bỏ tế bào chết và bã nhờn, ngăn ngừa bít tắc, giúp mụn nhanh hết hơn.
- Niacinamide: Kháng viêm, điều tiết bã nhờn và phục hồi hàng rào bảo vệ da rất hiệu quả, phù hợp cho cả nền da nhạy cảm.
2. Sử dụng thuốc kê đơn bôi ngoài da
Khi các sản phẩm không kê đơn không mang lại hiệu quả, bạn nên tới cơ sở y tế hoặc trung tâm da liễu để bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc bôi mạnh hơn.
- Kháng sinh bôi (Metronidazole, Clindamycin): Giúp giảm vi khuẩn và kháng viêm tại chỗ.
- Retinoids (Tretinoin, Adapalene): Giúp bình thường hóa quá trình sừng hóa, ngăn ngừa hình thành nhân mụn và kháng viêm.
Lưu ý quan trọng: Tất cả các loại thuốc kê đơn chỉ được sử dụng dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ da liễu. Các bạn không nên tự ý mua và sử dụng.
Tìm hiểu thêm: Có nên peel da khi bị mụn viêm không?
3. Thuốc uống và liệu pháp toàn thân
Đối với những trường hợp mụn viêm quanh miệng ở mức độ nặng hoặc không có phản ứng tích cực với các phương pháp điều trị tại chỗ, bác sĩ chuyên khoa có thể cân nhắc đến các phương pháp điều trị toàn thân phức tạp hơn. Các lựa chọn bao gồm:
- Kháng sinh đường uống (như Doxycycline, Minocycline)
- Liệu pháp cân bằng hormone (dùng thuốc tránh thai)
- Isotretinoin cho các ca kháng trị.
V. Hướng dẫn bạn cách chăm sóc da hàng ngày khi bị mụn viêm quanh miệng
Một quy trình chăm sóc da đúng chuẩn sẽ hỗ trợ quá trình điều trị, giúp da phục hồi nhanh hơn và ngăn ngừa mụn bùng phát trở lại.
1. Quy trình làm sạch da đúng cách
Bước đầu tiên và quan trọng nhất là tẩy trang một cách nhẹ nhàng và triệt để, sử dụng nước tẩy trang dạng micellar water hoặc dầu tẩy trang có tính chất dịu nhẹ để loại bỏ hoàn toàn makeup và kem chống nắng mà không cần phải chà xát mạnh có thể gây tổn thương da.
Tiếp theo bạn hãy rửa mặt bằng sữa rửa mặt phù hợp, cần chọn những sản phẩm có độ pH cân bằng dao động từ 5.5-6.5, không chứa các chất tẩy rửa mạnh như SLS, có tính chất dịu nhẹ và không gây kích ứng.
Cuối cùng hãy thấm khô da bằng khăn sạch, sử dụng khăn mặt mềm mại, sạch sẽ để thấm khô một cách nhẹ nhàng, tránh những động tác chà xát có thể gây kích ứng thêm cho da đang trong tình trạng nhạy cảm.
2. Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp
Khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da dành cho vùng mụn viêm quanh miệng, bạn hãy ưu tiên chọn những sản phẩm có chứa các nhãn như:
- “Non-comedogenic”, nghĩa là không gây bít tắc lỗ chân lông.
- “Fragrance-free” nghĩa là không chứa hương liệu để tránh gây kích ứng không đáng có.
- “Hypoallergenic” nghĩa là sản phẩm ít gây dị ứng, đã được kiểm nghiệm da liễu một cách nghiêm ngặt.
Về mặt kết cấu, bạn nên ưu tiên các sản phẩm dưỡng ẩm dạng gel hoặc lotion có kết cấu nhẹ, không gây cảm giác nặng nề hay bí da. Đối với kem chống nắng, nên chọn loại kem chống nắng vật lý chứa Zinc Oxide hoặc Titanium Dioxide, vì chúng ít gây kích ứng hơn so với kem chống nắng hóa học.
3. Loại bỏ các thói quen xấu
Để hỗ trợ quá trình điều trị đạt được hiệu quả tối ưu, cần tránh hoàn toàn những thói quen xấu bao gồm:
- Tự ý nặn mụn: Vì có thể đẩy vi khuẩn sâu hơn vào trong da, gây ra tình trạng viêm lan rộng và để lại những vết sẹo khó phục hồi.
- Tẩy tế bào chết quá đà: Vì vùng da đang trong tình trạng viêm cần được nghỉ ngơi, việc tẩy da chết có thể làm tổn thương thêm cho da.
- Chà xát mạnh khi rửa mặt: Thay vào đó chỉ nên xoa nhẹ nhàng, massage dịu dàng là đủ để làm sạch da hiệu quả.
- Bỏ qua bước dưỡng ẩm: Bạn nên nhớ rằng da mụn vẫn cần được cung cấp độ ẩm phù hợp để duy trì hàng rào bảo vệ tự nhiên của da
VI. Bị mụn quanh miệng nên điều chỉnh lối sống – chế độ ăn uống ra sao?
1. Thực phẩm nên và không nên ăn trong thời gian này
Nên bổ sung | Nên hạn chế |
Rau xanh đậm màu (cải bó xôi, cải kale) | Sữa và các chế phẩm từ sữa |
Trái cây ít ngọt (quả mọng, táo) | Đường tinh luyện, đồ ngọt |
Cá béo giàu Omega-3 (cá hồi, cá thu) | Thức ăn nhanh, đồ chiên rán |
Hạt và ngũ cốc nguyên hạt | Thực phẩm chế biến sẵn |
Thực phẩm giàu kẽm (hàu, hạt bí) | Đồ uống có cồn |
2. Ngủ đủ giấc và hạn chế stress
Stress và thiếu ngủ là hai kẻ thù của làn da. Chúng làm tăng nồng độ hormone cortisol và kích thích sản xuất dầu thừa. Nên đối với tình trạng mụn quanh miệng, bạn hãy cố gắng ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và tìm các phương pháp thư giãn hiệu quả như thiền, yoga, đọc sách hoặc nghe nhạc để giảm căng thẳng.
3. Tập thể dục và hoạt động thể chất
Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường lưu thông máu, cung cấp oxy và dưỡng chất cho da, đồng thời giúp giảm stress hiệu quả. Tuy nhiên, mồ hôi và vi khuẩn tích tụ trên da trong và sau lúc tập có thể gây bít tắc lỗ chân lông. Nên bạn cần vệ sinh da sau đó.