Là phương pháp loại bỏ tế bào chết và kích thích tái tạo da, peel da thường được nhiều người tìm đến để cải thiện làn da. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là đang bị mụn có nên peel da hay không? Liệu có an toàn hay sẽ khiến da mụn trở nên tệ hơn? Bài viết này sẽ giải đáp toàn diện các thắc mắc này của bạn.
I. Peel da trị mụn là gì?
Peel da (hay còn gọi là lột da hóa học) là phương pháp sử dụng các acid hữu cơ lành tính để loại bỏ lớp tế bào sừng già cỗi trên bề mặt da, từ đó thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da mới. Phương pháp này được ứng dụng rộng rãi, bao gồm cả trong điều trị mụn nhờ khả năng làm sạch sâu lỗ chân lông và kiểm soát bã nhờn.
Nền da mụn có những đặc tính rất riêng biệt mà bạn cần phải lưu tâm. Da mụn thường có đặc điểm là tăng tiết bã nhờn (thường bóng dầu), sự sừng hóa bất thường ở cổ nang lông (gây tắc lỗ chân lông) và sự hiện diện của vi khuẩn P.acnes (gây mụn, viêm, sưng và đau). Do đó loại da này thường có hàng rào bảo vệ da yếu hơn và nhạy cảm cao hơn so với da bình thường.
Với làn da suy yếu như da mụn, peel da có thể là một con dao hai lưỡi. Nếu thực hiện đúng cách trên nền mụn phù hợp, nó sẽ giúp làm sạch sâu, kháng viêm và gom cồi mụn hiệu quả, từ đó giúp giảm mụn nhanh hơn. Ngược lại, nếu áp dụng peel da sai cách, đặc biệt là trên nền mụn viêm nặng, peel da sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ vốn đã mỏng manh, khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
II. Có nên peel da khi đang bị mụn không?
Peel da có thể mang lại hiệu quả tích cực với một số loại mụn nhưng cũng có những trường hợp tuyệt đối không nên thực hiện. Và việc có nên peel da mụn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào loại mụn bạn đang gặp phải và tình trạng làn da của bạn. Áp dụng peel da một cách tùy tiện không những không trị được mụn mà còn có thể khiến da bạn đối mặt với những tổn thương nghiêm trọng. Hãy cùng đi sâu vào từng trường hợp cụ thể sau đây.
1. Trường hợp da mụn nên peel
Peel da phát huy hiệu quả tốt nhất đối với các loại mụn không viêm hoặc mụn ở mức độ nhẹ. Các hoạt chất peel sẽ thẩm thấu vào da, phá vỡ liên kết của tế bào chết, làm lỏng bã nhờn và đẩy nhân mụn ra ngoài. Thường thì ta có thể peel da đối với các loại mụn như:
- Mụn đầu đen: Peel da giúp hòa tan bã nhờn và oxy hóa đã bịt kín lỗ chân lông.
- Mụn đầu trắng: Giúp làm mềm và mở miệng nang lông, cho phép nhân mụn dễ dàng thoát ra.
- Mụn cám, mụn ẩn: Tác động sâu để đẩy các nhân mụn li ti nằm dưới da trồi lên bề mặt, đẩy mụn ẩn lên nhanh hơn.
Ngoài ra, bạn chỉ nên peel da mụn này nếu:
- Da không có vết thương hở hoặc mụn viêm nặng
- Hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh
- Không đang sử dụng thuốc kích ứng da như isotretinoin
2. Trường hợp da mụn không nên peel
Vậy người bị mụn viêm có nên peel da hay không? Với trường hợp mụn kèm triệu chứng viêm, sưng, đau nhức, bạn tuyệt đối không nên peel da. Việc cố tình đưa các hoạt chất acid trên nền da mụn, vốn đang có đề kháng yếu này có thể mang lại những hậu quả khôn lường như gây kích ứng, thậm chí gây sẹo, thâm sạm da.
Các trường hợp không nên peel bao gồm:
- Mụn mủ, mụn bọc, mụn nang: Đây là các dạng mụn viêm nặng, có chứa dịch mủ và vi khuẩn.
- Da có vết thương hở, trầy xước.
- Da đang trong tình trạng kích ứng, mẩn đỏ.
Khi bạn peel trên da mụn viêm, lớp acid sẽ bào mòn bề mặt, làm vỡ các ổ viêm. Vi khuẩn và dịch mủ từ đó sẽ lây lan sang các vùng da khỏe mạnh xung quanh, khiến mụn có thể bùng phát còn nghiêm trọng hơn ban đầu. Hơn nữa, việc peel da còn gây ra tổn thương sâu, kích thích phản ứng viêm dữ dội, dẫn đến nguy cơ rất cao hình thành sẹo rỗ và thâm sạm sau khi hết mụn. Vậy nên thay vì peel, bạn nên tìm đến bác sĩ da liễu để được kê các sản phẩm chấm mụn, thuốc uống hoặc các liệu pháp chuyên sâu khác để kiểm soát tình trạng viêm trước, sau đó mới nên đi peel da để làm sạch.
II. Nên peel da mụn bằng hoạt chất gì để an toàn?
1. Salicylic Acid (BHA) – Phù hợp cho da dầu mụn
Salicylic Acid là một BHA gốc dầu, cho phép nó len lỏi sâu vào bên trong lỗ chân lông để hòa tan bã nhờn và tế bào chết.
Nồng độ | Công dụng |
1% – 2% | Dùng hàng ngày hoặc cách ngày để tẩy tế bào chết nhẹ, làm sạch lỗ chân lông. |
Trên 2% (Peel) | Dùng định kỳ (1-2 lần/tuần) để peel da, hỗ trợ gom cồi mụn, giảm viêm. |
- Ưu điểm: Salicylic luôn nổi bật với khả năng kháng viêm, làm sạch sâu lỗ chân lông hiệu quả, là lựa chọn hàng đầu cho da dầu và mụn không viêm mà nhiều chị em tin tưởng.
- Ai phù hợp: Người có da dầu, lỗ chân lông to, mụn đầu đen, mụn ẩn.
- Ai không phù hợp: Người có da khô, da quá nhạy cảm hoặc dị ứng với aspirin.
2. Glycolic Acid (AHA) – Phù hợp cho mụn nhẹ kèm thâm mụn
Glycolic Acid là một AHA có kích thước phân tử siêu nhỏ nên có thể thâm nhập vào da rất hiệu quả. Nó sẽ làm yếu đi các tế bào sừng già cỗi, giúp chúng bong ra dễ dàng.
Nồng độ | Mục đích sử dụng |
5% – 10% | Tẩy tế bào chết bề mặt, làm sáng da, mờ thâm. |
Trên 10% (Peel) | Cải thiện kết cấu da, giảm mụn nhẹ và thâm sạm. |
- Ưu điểm: Hiệu quả cao trong việc cải thiện bề mặt da sần sùi, làm đều màu da và xử lý thâm sau mụn.
- Lưu ý: Theo kinh nghiệm của nhiều người, Glycolic Acid có thể gây châm chích và khiến da bạn nhạy cảm với ánh nắng. Do đó bạn nên dùng kem chống nắng hằng ngày trong quá trình sử dụng.
3. Mandelic Acid (AHA) – Phù hợp cho da nhạy cảm có mụn
Đây là loại AHA có kích thước phân tử lớn hơn Glycolic Acid nên thẩm thấu vào da chậm hơn, từ từ hơn, do đó ít gây kích ứng hơn. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những người có làn da nhạy cảm muốn thử peel da.
- Ưu điểm: Rất dịu nhẹ, phù hợp cho cả da nhạy cảm và da người Việt, chưa kể còn có cả đặc tính kháng khuẩn, tốt cho da mụn.
- Hạn chế: Tác dụng chậm hơn so với các hoạt chất peel da khác.
III. Quy trình peel da an toàn dành cho da mụn
Để peel da tại nhà an toàn, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt các bước sau:
- Bước 1: Làm sạch da kỹ lưỡng bằng việc tẩy trang, rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, giúp cho các hoạt chất peel thẩm thấu tối ưu.
- Bước 2: Thoa vaseline hoặc kem dưỡng ẩm lên các vùng da mỏng, nhạy cảm như khóe mắt, khóe miệng, khóe mũi. Che chắn vùng mắt bằng gạc hoặc miếng bảo vệ chuyên dụng để tránh hóa chất peel tiếp xúc trực tiếp.
- Bước 3: Dùng cọ chuyên dụng, bông gòn hoặc gạc để thoa đều dung dịch peel lên vùng da mặt của bạn và theo dõi. Nếu có xuất hiện dấu hiệu như đỏ, châm chích mạnh, bác sĩ sẽ dùng dung dịch trung hòa chuyên biệt để ngưng hoạt động của acid, giúp bảo vệ da và kiểm soát độ pH.
- Bước 4: Làm sạch lại da bằng nước muối sinh lý hoặc nước mát. Sau đó, chườm lạnh, thoa serum phục hồi, kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, có thể kết hợp đắp mặt nạ phục hồi hoặc chiếu đèn LED sinh học để giảm viêm, tăng cường tái tạo và làm dịu da.
- Bước 5: Sau khi peel da, cần chăm sóc da tại nhà bằng các phương pháp khoa học để tránh làm tổn thương tới làn da vốn đang mỏng manh sau peel.
IV. Hướng dẫ cách chăm sóc da mụn sau peel
Chăm sóc da sau peel chiếm 50% thành công của liệu trình. Giai đoạn này da rất mỏng manh và cần được bảo vệ, phục hồi đúng cách.
- Trong 24 giờ đầu tiên: Ưu tiên tuyệt đối cho việc làm dịu và phục hồi. Chỉ sử dụng các sản phẩm chứa thành phần như Hyaluronic Acid, Vitamin B5 (Panthenol), Ceramide, và các chiết xuất làm dịu như rau má. Tuyệt đối không dùng thêm các hoạt chất mạnh khác như Retinol, Vitamin C, AHA, BHA.
- Trong tuần đầu tiên: Tiếp tục tập trung vào dưỡng ẩm và phục hồi, và đừng quên việc quan trọng nhất khi này đó là dùng kem chống nắng bởi làn da mới tái tạo cực kỳ nhạy cảm với tia UV.
- Nếu bị nổi mụn sau peel: Đây là hiện tượng rất phổ biến. Nếu các nốt mụn xuất hiện ở những vị trí bạn hay bị mụn ẩn thì đó. Hãy kiên nhẫn và tiếp tục quy trình phục hồi. Nếu là kích ứng với các dấu hiệu mụn viêm, mẩn đỏ, ngứa ở những vùng da mới, hãy ngưng peel ngay, tập trung làm dịu da và tham khảo ý kiến chuyên gia.
V. Tại sao sau khi peel da bị nổi mụn nhiều hơn?
Nếu như sau khi đi peel da mà gặp phải tình trạng nổi mụn nhiều hơn, bạn cũng đừng nên quá lo lắng. Hiện tượng nổi mụn sau khi peel da thường là do đẩy mụn, một phản ứng hoàn toàn bình thường. Peel da giúp đẩy nhanh tốc độ sừng hóa, khiến toàn bộ bụi bẩn, bã nhờn và các nhân mụn ẩn sâu dưới da bị thúc ép trồi lên bề mặt cùng một lúc. Kết quả là mụn xuất hiện trên mặt nhiều hơn hẳn.
Đẩy mụn sau khi peel da thường bắt đầu sau khoảng 2-3 ngày và có thể kéo dài từ 2 đến 6 tuần, tùy thuộc vào tình trạng mụn ẩn của bạn. Tuy nhiên, nếu sau khi peel xuất hiện nhiều nốt mụn viêm, mụn mủ, mụn nước hoặc cảm giác đau rát, bạn nên ngừng sử dụng liệu trình peel, báo cho người chịu trách nhiệm peel và tiến hành kiểm tra da liễu. Hiện tượng nổi mụn như trên rất có thể là do kích ứng gây ra.
Bảng phân biệt đẩy mụn và kích ứng:
Tiêu chí | Đẩy mụn | Kích ứng |
Vị trí | Vùng da bạn thường xuyên có mụn. | Vùng da mới, bất thường, chưa từng có mụn. |
Biểu hiện | Mụn nhỏ, mụn đầu trắng, có xu hướng gom cồi và khô nhanh. | Mụn viêm đỏ, mụn mủ gây ngứa, sưng và đau. |
Thời gian | Cải thiện và giảm sau 2-6 tuần. | Kéo dài, không có dấu hiệu giảm mà ngày càng tệ hơn. |
Nguyên nhân | Quá trình làm sạch sâu và tái tạo da được thúc đẩy. | Da phản ứng tiêu cực với hoạt chất peel da. |
VI. Những lưu ý cần nhớ khi peel da trị mụn
Để hành trình peel da trị mụn của bạn an toàn và hiệu quả, hãy ghi nhớ những quy tắc vàng sau:
- Không bao giờ peel da trên nền mụn viêm nặng. Thay vào đó hãy chờ mụn khô cồi và tình trạng viêm thuyên giảm.
- Luôn bắt đầu từ nồng độ thấp (ví dụ BHA 0.5-2%, AHA 5%) và tăng dần khi da đã quen.
- Không peel da quá thường xuyên. Tần suất lý tưởng là 1-2 lần/tuần tùy sản phẩm và tình trạng da.
- Tuyệt đối không nặn mụn ngay trước và sau khi peel để tránh nhiễm trùng và sẹo thâm.
- Chống nắng nghiêm ngặt với SPF 30+ mỗi ngày sau khi đã peel da.
- Ngưng peel ngay lập tức nếu da có dấu hiệu kích ứng mạnh: đỏ rát kéo dài, ngứa, bong tróc bất thường.
- Không nên kết hợp peel da với Retinol/Tretinoin trong cùng một quy trình.
- Luôn chú trọng dưỡng ẩm và phục hồi để củng cố hàng rào bảo vệ da.
Kết luận
Peel da là một công cụ mạnh mẽ trong việc điều trị mụn, nhưng nó không phải là giải pháp cho tất cả mọi người và mọi tình trạng mụn. Đối với mụn không viêm như mụn ẩn, mụn đầu đen, peel da đúng cách có thể mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Tuy nhiên đối với mụn viêm nặng bạn nên tránh phương pháp này do nguy cơ gây tổn thương da.