3 cách nhận biết serum bị oxy hoá & cách xử lý, bảo quản hiệu quả

3 cách nhận biết serum bị oxy hoá & cách xử lý, bảo quản hiệu quả

Hướng dẫn cách nhận biết serum bị oxy hoá chuẩn xác

Nếu là một người yêu làm đẹp, chắc hẳn bạn sẽ biết serum là loại tinh chất rất dễ bị oxy hóa. Khi bị oxy hóa, serum không chỉ mất tác dụng mà còn có thể gây hại cho da. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp bạn nhận biết sớm các dấu hiệu serum bị oxy hóa, hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý và bảo quản hiệu quả.

I. Serum bị oxy hóa là hiện tượng gì?

Trước tiên bạn cần hiểu oxy hóa là phản ứng hóa học xảy ra làm thay đổi cấu trúc và tính chất ban đầu của một chất. Đây là quá trình tự nhiên diễn ra khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày và trong cơ thể chúng ta.

Trong lĩnh vực mỹ phẩm, oxy hóa xảy ra khi các thành phần hoạt tính (như vitamin C, retinol,…) tiếp xúc với không khí, ánh sáng hoặc nhiệt độ, làm biến đổi cấu trúc phân tử và khiến chúng mất đi công dụng ban đầu.

Vậy nên có thể hiểu, serum bị oxy hóa là quá trình các thành phần hoạt tính trong serum phản ứng với oxy trong không khí, dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc hóa học của chúng. Đơn giản hơn, đây là hiện tượng “hỏng” khi các dưỡng chất tiếp xúc với không khí, ánh sáng và nhiệt độ.

Để hiểu rõ hơn về serum, bạn có thể tham khảo bài viết: Serum là gì? Công dụng & những loại serum phổ biến

Serum bị oxy hoá là hiện tượng gì?

II. Tại sao serum lại dễ bị oxy hóa?

Không phải tất cả các loại serum đều có nguy cơ bị oxy hóa như nhau mà phụ thuộc vào “tính ổn định” của các thành phần hóa học có trong nó. Một số hoạt chất, do cấu trúc phân tử đặc thù, rất mong manh và dễ phản ứng với các yếu tố bên ngoài. Các thành phần hoạt tính nổi tiếng dễ bị oxy hóa bao gồm vitamin C và retinoids.

Về nguyên nhân, hiện tượng này xảy ra có thể do một số yếu tố như:

  • Tiếp xúc với không khí (oxy): Trong quá trình sử dụng serum, nhất là mỗi lần mở nắp, oxy có thể tràn vào chai. Lượng không khí còn lại trong chai càng nhiều, nguy cơ oxy hóa càng cao, nhất là khi sau khi sử dụng mà quên đóng nắp serum.
  • Ánh sáng (Đặc biệt là tia UV): Năng lượng từ ánh sáng mặt trời hoặc thậm chí ánh sáng nhân tạo mạnh có thể phá vỡ các liên kết hóa học trong serum, làm chúng biến chất.
  • Nhiệt độ cao: Làm thúc đẩy các phản ứng hóa học xảy ra nhanh hơn, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Hoặc do bạn để serum ở nơi nóng bức sẽ khiến chúng nhanh bị oxy hóa hơn.
  • Do bao bì, lọ không phù hợp: Chẳng hạn như chai trong suốt cho phép ánh sáng xuyên qua dễ dàng. Các loại serum có ống nhỏ giọt cũng có thể đưa không khí vào chai mỗi lần sử dụng.
  • Nhiễm khuẩn/bẩn: Mặc dù không trực tiếp gây oxy hóa, việc dụng cụ lấy serum không sạch hoặc tay bẩn có thể đưa vi khuẩn vào sản phẩm. Vi khuẩn có thể làm biến đổi thành phần và làm hỏng serum theo cách khác, hoặc tạo điều kiện cho quá trình oxy hóa diễn ra nhanh hơn.

III. Những dấu hiệu cho thấy serum đã bị oxy hóa

Dấu hiệu 1: Thay đổi màu sắc

Đây là dấu hiệu rõ ràng và dễ nhận biết nhất của serum bị oxy hóa. Đặc biệt với serum Vitamin C, quá trình oxy hóa thường biểu hiện qua các giai đoạn thay đổi màu sắc:

  • Trong suốt/trắng/vàng rất nhạt (màu ban đầu)
  • Vàng nhạt
  • Vàng đậm
  • Vàng nâu/màu cánh gián
  • Cam đậm
  • Nâu sẫm
  • Đen

Ngoài ra, serum cũng có thể trở nên đục, mất đi độ trong trẻo ban đầu.

Lưu ý: Một số serum có màu vàng nhạt tự nhiên ngay từ đầu. Bạn nên ghi nhớ màu sắc ban đầu của sản phẩm khi mới mua hoặc tham khảo thông tin từ nhà sản xuất để so sánh.

Dấu hiệu nhận biết serum của bạn đã bị oxy hoá

Dấu hiệu 2: Thay đổi mùi hương

Khi bị oxy hóa, mùi hương của serum cũng biến đổi đáng kể. Các mùi lạ thường gặp bao gồm:

  • Mùi hôi, khó chịu hoặc tanh
  • Mùi chua gắt (thường gặp ở Vitamin C bị oxy hóa nặng)
  • Mùi kim loại
  • Mùi khác biệt hoàn toàn so với mùi hương đặc trưng ban đầu

Để dễ nhận biết, bạn nên ghi nhớ mùi hương gốc của sản phẩm khi mới mở để làm cơ sở so sánh sau này.

Dấu hiệu 3: Thay đổi kết cấu

Kết cấu của serum cũng thay đổi khi các thành phần bị phân hủy hoặc phản ứng với nhau:

  • Trở nên đặc sệt hơn hoặc loãng ra bất thường
  • Xuất hiện vón cục, lợn cợn, không còn mịn màng
  • Có cặn lắng ở đáy chai
  • Bị tách lớp (lớp dầu nổi lên trên hoặc lớp nước lắng xuống dưới)

Khi thoa lên da, bạn có thể cảm nhận sự khác biệt: nhờn dính, khó thẩm thấu, hoặc có cảm giác sạn.

Serum thay đổi kết cấu - dấu hiệu oxy hoá

Dấu hiệu 4: Hiệu quả giảm sút hoặc gây kích ứng

Khi serum bị oxy hóa, không chỉ mất đi hiệu quả ban đầu mà còn có thể gây ra các phản ứng không mong muốn cho da:

  • Không còn thấy tác dụng cải thiện da như quảng cáo hoặc như trước đây
  • Da cảm thấy châm chích, mẩn đỏ, ngứa rát khi sử dụng
  • Nổi mụn bất thường hoặc làm tình trạng mụn hiện có trở nên tồi tệ hơn

Nên đọc: Bôi serum bị nóng rát mặt là do đâu?

IV. Serum bị oxy hóa nên dùng tiếp hay bỏ đi?

Khi phát hiện serum của bạn đã có dấu hiệu oxy hóa, câu hỏi đầu tiên thường là liệu còn dùng tiếp được không? Câu trả lời chuyên gia khuyên là không, hãy dứt khoát bỏ đi. Bởi khi này, các thành phần hoạt tính trong serum đã bị biến đổi về mặt hóa học, không chỉ mất đi hiệu quả ban đầu mà còn có thể tạo ra các gốc tự do mới gây hại cho làn da.

Đáng ngại hơn, serum đã bị hỏng do oxy hóa còn có thể gây kích ứng, viêm da, mẩn đỏ, hoặc thậm chí làm nặng thêm tình trạng mụn hiện có. Nhiều người tiếc tiền nên cố gắng sử dụng sản phẩm đã biến chất, nhưng chi phí để khắc phục làn da bị tổn thương sau đó thường cao hơn nhiều.

Serum bị oxy hoá có nên dùng tiếp không?

V. Bí quyết bảo quản serum chuẩn chỉnh, ngăn ngừa oxy hóa

1. Lựa chọn sản phẩm thông minh ngay từ đầu

Ngay từ khâu chọn mua, bạn đã có thể giảm thiểu nguy cơ serum bị oxy hóa:

  • Ưu tiên bao bì tối màu, chọn serum đựng trong chai thủy tinh màu nâu hổ phách, xanh coban, hoặc chai nhựa đục hoàn toàn. Những loại lọ này giúp ngăn cản ánh sáng hiệu quả hơn.
  • Thiết kế kín khí: Thay vì chọn loại lọ có ống nhỏ giọt, bạn nên ưu tiên chọn loại vòi bơm không có không khí sẽ giúp hạn chế tối đa tiếp xúc với oxy serum tiếp xúc với oxy.
  • Dung tích nhỏ: Nếu bạn không sử dụng serum thường xuyên, hãy chọn mua serum có dung tích nhỏ (ví dụ: 10ml, 15ml) để tránh việc mở nắp quá nhiều.

2. Bảo quản serum đúng cách

Nơi bảo quản lý tưởng:

  • Bảo quản tại nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nguồn nhiệt, chẳng hạn như trong tủ thuốc, ngăn kéo trong phòng ngủ thường
  • Tránh để serum trong nhà tắm vì độ ẩm và nhiệt độ có thể thay đổi thường xuyên
  • Với serum Vitamin C dạng L-AA, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh

3. Cận thận trong quá trình sử dụng

  • Đậy nắp kín và ngay lập tức sau khi lấy sản phẩm
  • Lấy đủ lượng serum cần dùng và đóng nắp ngay
  • Giữ vệ sinh đầu ống nhỏ giọt hoặc vòi bơm
  • Tuân thủ hạn sử dụng sau mở nắp (PAO – Period After Opening)
  • Cân nhắc chiết ra chai nhỏ hơn nếu chai gốc quá lớn

Những câu hỏi thường gặp

Serum Vitamin C hơi ngả vàng còn dùng được không?

Nếu mới chớm vàng rất nhẹ, không có mùi lạ và kết cấu không đổi, bạn có thể cân nhắc dùng cho vùng da khỏe như cổ tay nhưng tốt nhất là ngưng dùng trên mặt.

Có nên bọc giấy bạc quanh lọ serum không?

Nên nếu bạn đang dùng chai serum trong suốt, nhưng cũng cần đảm bảo giấy bạc không cản trở việc đóng kín nắp.

Làm sao biết serum mới mua đã bị oxy hóa từ trước?

Bạn nên kiểm tra màu sắc, mùi, kết cấu ngay khi mở và so sánh với mô tả/hình ảnh sản phẩm mới từ nhà sản xuất.

Có cách nào khắc phục serum bị oxy hóa không?

Không. Khi serum đã bị oxy hóa, các thành phần đã bị biến đổi về mặt hóa học. Không có cách nào đảo ngược quá trình này để khôi phục lại chất lượng ban đầu.

Serum bị tách lớp có phải do oxy hóa không?

Rất có thể. Nếu kèm theo thay đổi màu, mùi thì khả năng cao là đã hỏng.

Kết luận

Nhận biết serum bị oxy hóa không khó nếu bạn chú ý đến những thay đổi về màu sắc, mùi hương và kết cấu. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về chất lượng sản phẩm, an toàn nhất là ngừng sử dụng. Hi vọng bài viết này đã phần nào giúp bạn nhận biết được dấu hiệu serum bị oxy hóa cũng như cách để bảo quản chúng lâu dài.